1. Thăm khám trực tràng bằng ngón tay
Thăm khám trực tràng bằng ngón tay là biện pháp được sử dụng để phát hiện bệnh. Whitmore 1956, là người đầu tiên sử dụng khái niệm “sờ thấy được bằng đầu ngón tay” đối với Ung thư tiền liệt tuyến (UTTTL). Jewett 1956, công bố tỷ lệ UTTTL 50% khi sinh thiết tiền liệt tuyến đối với những trường hợp nghi vấn khi thăm trực tràng, gần 10 năm sau tác giả là người đầu tiên phân loại giai đoạn UTTTL dựa vào thăm khám trực tràng.
Thăm trực tràng là một phương pháp khám đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp, tuy vậy có nhiều nguyên nhân làm cho độ nhạy chẩn đoán không cao.
2. P.S.A
PSA là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, tuy nhiên PSA còn tồn tại trong một số các tổ chức tuyến khác, nên vẫn không được gọi là đặc hiệu lý tưởng cho TTL. Kết quả PSA càng cao càng nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt. Hiện nay PSA vẫn được coi là hiệu quả nhất trong chẩn đoán, xác định giai đoạn bệnh và theo dõi sự phát triển của UTTTL, đặc biệt những nghiên cứu mới được công bố cho thấy PSA có thể xác định được các trường hợp có nguy cơ phát triển thành UTTTL trong tương lai.
Ưu điểm của PSA là mang tính khách quan, kết quả không phụ thuộc người khám, tránh tâm lý ngượng ngùng, sợ đau của bệnh nhân. Trong nhiều nghiên cứu, các tác giả còn khẳng định sử dụng PSA làm tăng cơ hội phát hiện bệnh sớm, có khả năng điều trị khỏi. PSA là công cụ tốt để dự đoán nguy cơ, theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị.
Vai trò mới của PSA ngày nay như một yếu tố xác định nguy cơ UTTTL trong tương lai. PSA có thể dự báo Ung thư trước 25 – 30 năm.
3. Siêu âm
Siêu âm là biện pháp chẩn đoán có giá trị đối với ung thư tuyến tiền liệt, siêu âm hỗ trợ quan trọng cho thăm khám lâm sàng, do đó cần có những người chuyên sâu về siêu âm tiết niệu làm chẩn đoán. Ở các nước phát triển, khi đi sâu nghiên cứu sàng lọc và chẩn đoán, đã cho thấy siêu âm qua trực tràng có khả năng phát hiện được các khối ung thư tuyến tiền liệt có thể tích 2 – 4mm.
Siêu âm trên xương mu:
Siêu âm trên xương mu cho phép đánh giá những ảnh hưởng của đối với ung thư tuyến tiền liệt đường tiết niệu trên, đặc biệt giai đoạn muộn của bệnh. Có thể thấy thành bàng quang giãn mỏng, hay viêm dày, niệu quản bể thận giãn ứ nước do u chèn ép. Qua siêu âm có thể đánh giá được các tổn thương khác như hạch chậu, mức độ xâm lấn u vào bàng quang, ngoài ra có thể đo kích thước tuyến tiền liệt. Nhược điểm của siêu âm trên xương mu là sử dụng đầu dò tần số thấp, khi siêu âm bị giới hạn bởi xương mu, không quan sát trực tiếp được tuyến tiền liệt, do vậy không cho được những hình ảnh rõ nét.
Siêu âm qua trực tràng:
Từ những năm 1968, Watanabe đã lần đầu tiên sử dụng siêu âm qua trực tràng mô tả hình ảnh về tuyến tiền liệt. Kỹ thuật này được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng từ giữa thập niên 80. Siêu âm qua trực tràng sử dụng đầu dò tần số cao 5 – 7MHz nên cho hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm trên xương mu, có thể phát hiện được UT có đường kính 2-4 mm, đồng thời giúp sinh thiết chính xác hơn nhờ có thiết bị định vị đi kèm với đầu dò.
4. Sinh thiết tuyến tiền liệt
Chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt dựa trên hướng dẫn của thăm trực tràng và nồng độ PSA máu.
Sinh thiết có thể thực hiện bằng nhiều cách:
- Sinh thiết qua đường trực tràng dưới hướng dẫn của ngón tay hay siêu âm đầu dò trực tràng.
- Sinh thiết qua đường tầng sinh môn có hoặc không hướng dẫn của siêu âm.
Sinh thiết tuyến tiền liệt qua đường trực tràng dưới hướng dẫn siêu âm là kỹ thuật được lựa chọn nhiều nhất hiện nay. Thông thường tiến hành bấm lấy mỗi thuỳ tuyến từ 3 – 6 mảnh từ đỉnh tới nền của tuyến, đánh số các vị trí để có thể lập bản đồ tổn thương giải phẫu bệnh của bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Sự kết hợp giữa thăm trực tràng, định kỳ làm xét nghiệm PSA máu và sinh thiết tuyến tiền liệt khi có nghi ngờ cho phép chẩn đoán > 90% ung thư tuyến ở giai đoạn khu trú và đóng góp đáng kể vào hiệu quả điều trị.
5. Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh
Xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ, PET Scan, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, XQ xương, chụp thận thuốc tĩnh mạch, được coi là những phương pháp xác định giai đoạn phát triển của UTTTL.
5.1. Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) hoặc Cộng hưởng từ ( MRI)
– CT scanner: với sự phát triển không ngừng của chẩn đoán hình ảnh, CT xoắn ốc ra đời, từ năm 1990 với 1 đầu chụp, quay 3600, chụp nhanh, hình ảnh 3 chiều rõ nét, đến nay đã cải tiến thêm 64 đến 320 đầu chụp, nâng số hình ảnh chụp trong 1 giây lên đáng kể, trở thành 1 biện pháp chẩn đoán hình ảnh lý tưởng trong xác định xâm lấn u, di căn hạch, phân bố mạch máu giúp cho định hướng đường hướng xử trí.
– MRI: Rất có giá trị chẩn đoán mức độ xâm lấn của khối u vào tổ chức xung quanh và hạch vùng, đặc biệt là MRI nội trực tràng. Giá trị chẩn đoán của MRI nội trực tràng đối với ung thư tuyến tiền liệt: độ nhạy 53%, độ đặc hiệu 94%, chính xác 70%, đồng thời giúp cho việc sinh thiết tiền liệt tuyến được chính xác hơn.
5.2. Xạ hình xương (Scintigraphy osseuse)
Xạ hình xương có độ nhạy cao trong chẩn đoán di căn xương. Xạ hình xương cần được phối hợp với khám xương để chẩn đoán phân biệt với các triệu chứng đau xương khác như viêm xương khớp, thoát vị đĩa đệm… Xạ hình xương dương tính không đặc hiệu riêng cho UTTTL, kết quả xạ hình xương âm tính rất có giá trị trong đánh giá trước và sau điều trị.
5.3. PET Scan (positron emission tomography)
PET Scan là phương pháp xác định giai đoạn bệnh hiện đại dựa trên các hình ảnh cắt lớp được chụp sau khi tiêm các hoạt chất phóng xạ như 18 – Fluoro – Deoxy Glucose (FDG). Các chất phóng xạ này sẽ tích tụ lại những nơi tăng chuyển hoá glycolyse do UT. Ưu điểm của phương pháp này là có khả năng phát hiện di căn sớm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City hiện có Gói khám chuyên sâu bệnh ung thư tiền liệt tuyến giúp khách hàng phát hiện sớm khả năng có thể mắc ung thư tiền liệt tuyến, giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh; Phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, chưa có triệu chứng điển hình để được điều trị sớm và dự phòng biến chứng.
Gói khám chuyên sâu bệnh ung thư tiền liệt tuyến dành cho khách hàng:
- Nam giới từ 50 tuổi trở lên, có chỉ số PSA >4 hoặc/và có nghi ngờ qua thăm khám tuyến tiền liệt qua hậu môn
- Có những triệu chứng sau: Tắc đường tiết niệu: đái khó, đái rắt, đái máu, đôi khi bí đái; Khó chịu vùng xương chậu, cương đau dương vật (hiếm gặp).