1. Bệnh ở tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt (hay còn được gọi là tiền liệt tuyến) là một cơ quan thuộc hệ thống sinh sản ở nam giới. Bộ phận này có kích thước bằng quả óc chó và vị trí nằm ở đáy bàng quang. Đi bên trong tuyến là ống niệu đạo, dẫn nước tiểu và tinh dịch đi ra khỏi dương vật. Bên cạnh đó, tuyến tiền liệt có khả năng sản xuất và bài tiết các chất lỏng giúp nuôi dưỡng tinh trùng, gọi là tinh dịch. Khả năng hoạt động của tuyến tiền liệt được điều khiển bởi các hormone sinh dục. Theo đó, cơ quan này sẽ phát triển mạnh mẽ từ tuổi dậy thì cho đến khi đạt trọng lượng trung bình là 20 gram ở tuổi ba mươi.
Khoảng 25% nam giới từ 55 tuổi trở lên có vấn đề trên tuyến tiền liệt. Tỷ lệ này lại tăng lên gần 50% khi đến tuổi 70. Trong giai đoạn đầu, bệnh hầu hết không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi bệnh càng tiến triển, kích thước tuyến tiền liệt lớn dần gây chèn ép, người bệnh có cảm giác tiểu yếu, tiểu khó kéo dài. Thậm chí nếu tuyến tiền liệt quá lớn còn gây bí tiểu hoàn toàn.
2. Các bệnh ở tuyến tiền liệt thường gặp
Ba dạng phổ biến nhất của bệnh ở tuyến tiền liệt là viêm tiền liệt tuyến, phì đại tuyến tiền liệt (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính) và ung thư tiền liệt tuyến. Một bệnh nhân nam giới có thể mắc một hoặc cả ba bệnh này cùng một lúc. Chi tiết từng bệnh lý được trình bày sau đây:
2.1. Viêm tiền liệt tuyến
Mặc dù viêm tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh lý này phổ biến hơn cả ở những người đàn ông tuổi còn tương đối trẻ, từ 30 đến 50 tuổi. Các nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt chủ yếu là:
- Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn: Biểu hiệu nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính, đáp ứng tốt với các loại thuốc kháng sinh thông thường;
- Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn: Biểu hiện tuyến tiền liệt bị viêm, sưng đau kéo dài; thuộc hội chứng đau vùng chậu mãn tính với nguyên nhân hiện chưa rõ ràng. Nhiều giả thiết là do kích ứng từ một số hóa chất, do vấn đề thần kinh chi phối đường tiết niệu dưới, do bất thường trên cơ sàn chậu, do lạm dụng tình dục hay lo lắng mãn tính. Việc chẩn đoán và điều trị nhóm bệnh lý này tương đối khó khăn.
2.2. Phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt là quá trình tiến triển gây tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, kích thước lớn hơn nhưng không dẫn đến ung thư. Vấn đề này vô cùng phổ biến khi người nam bắt đầu già đi. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng, phì đại tuyến tiền liệt lại gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Khi tuyến tiền liệt lớn dần, nhất là tại phần bao quanh niệu đạo sẽ làm cho niệu đạo bị hẹp lại và tạo áp lực lên nền bàng quang. Hệ quả dẫn đến là gây tắc nghẽn trong dòng chảy của nước tiểu, khiến người bệnh tiểu khó, tiểu phải rặn và cuối cùng là bí tiểu. Người bệnh không đi tiểu được khiến bàng quang căng to rất đau đớn. Cách giải quyết tạm thời là đặt ống thông để giải phóng nước tiểu. Tuy nhiên, việc này đôi khi cũng rất khó thực hiện mà cần phải mở bàng quang ra da cấp cứu.
2.3. Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tuyến tiền liệt thường xảy ra ở nam giới từ trên 50 tuổi với nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy vậy, một số bằng chứng đã cho thấy bệnh lý này có mối liên quan đến tuổi tác và tiền căn gia đình.
Ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư mới hình thành và còn bị giới hạn khu trú ở tuyến tiền liệt. Sau đó, nếu chưa được phát hiện và điều trị đặc hiệu, các tế bào ác tính sẽ dần dần trở trên tích cực hơn, kích thước tuyến tiền liệt to lên rất nhanh. Lúc này, các tế bào ung thư đã sớm xâm nhập vào hệ thống mạch máu, đường bạch huyết và lan sang các bộ phận khác của cơ thể, gây ra ung thư thứ phát. Trong đó, cơ quan thường bị ung thư tiền liệt tuyến di căn đến nhất là xương.
3. Triệu chứng của các bệnh lý ở tuyến tiền liệt
Trong giai đoạn bệnh mới khởi phát, các bệnh lý trên tuyến tiền liệt có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì. Sau đó, các biểu hiện của bệnh tuyến tiền liệt xuất hiện dần phụ thuộc vào tốc độ tăng kích thước của tuyến tiền liệt, bao gồm:
- Khó tiểu;
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm;
- Cảm giác bàng quang không thể được làm trống hoàn toàn;
- Tiểu đau;
- Có máu trong nước tiểu.
4. Cách chẩn đoán bệnh lý ở tuyến tiền liệt
Bên cạnh việc dựa vào bệnh sử có các triệu chứng như trên, các bệnh lý trên tuyến tiền liệt còn được chẩn đoán bằng cách thăm khám trực tiếp và thực hiện thêm các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ kiểm tra sự phình to của tuyến tiền liệt bằng ngón tay đeo găng và thăm dò qua trực tràng. Ngoài ra, bằng việc tiếp xúc trực tiếp, các đặc điểm về bề mặt, mật độ, khối u cục nếu có trên cơ quan này cũng dễ dàng được ghi nhận.
Bên cạnh đó, các kết quả trên hình ảnh học thông qua siêu âm cũng là một bằng chứng đáng tin cậy. Đây là phương tiện phổ biến nhất, nhanh chóng và dễ thực hiện. Hơn thế nữa, trong một số trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm xét nghiệm nước tiểu. Nếu nghĩ đến khả năng ung thư hóa, cần sớm xét nghiệm máu tìm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (chỉ số PSA), chụp cắt lớp vi tính vùng bụng chậu hay cả sinh thiết tuyến tiền liệt là tiêu chuẩn vàng.
Nói tóm lại, viêm tiền liệt tuyến, phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tiền liệt tuyến là ba bệnh lý phổ biến nhất tại cơ quan này. Nếu bạn hay người thân là nam giới và trong độ tuổi 50 đến 60, có các triệu chứng như trên và tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến tiền liệt, hãy đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa niệu để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở tuyến tiền liệt, bệnh nhân có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Ngoại tiết niệu được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tiết niệu nói chung và bệnh ở tuyến tiền liệt nói riêng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.